I. KHÁI QUÁT ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH
Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, tháng 01/1976 Trung ương đã ra quyết định thành lập tỉnh Đồng Nai trên cơ sở sáp nhập 03 tỉnh gồm: Biên Hòa, Bà Rịa - Long Khánh và Tân Phú; Có 09 huyện và 01 Thành phố, 01 Thị xã. Có diện tích tự nhiên hơn 8.360 km2, có hơn 150 km bờ biển, dân số có 1.223.683 người, có 19 dân tộc trong đó người Kinh chiếm 92,8%. Sau nhiều lần chia tách, đến nay tỉnh Đồng Nai có 11 đơn vị hành chính gồm 9 huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa, diện tích tự nhiên 5.854 km2, dân số hơn 2,48 triệu người, trong đó có 52% dân số theo đạo Thiên Chúa, Tin lành…vv.
Sau ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, Đồng Nai có rất nhiều thuận lợi là một tỉnh có vị trí chiến lược, có nhiều tiềm năng và thế mạnh về xây dựng và phát triển kinh tế, Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai có truyền thống yêu nước, đã được tôi luyện, thử thách trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, có tinh thần cần cù lao động, sáng tạo.
Tuy nhiên tình hình chính trị, kinh tế - xã hội gặp rất nhiều khó khăn do hậu quả của chiến tranh để lại rất nặng nề trên nhiều lĩnh vực. Sau giải phóng có 10 vạn binh sĩ và nhân viên trong bộ máy chính quyền tan rã tại chỗ, riêng tỉnh Đồng Nai qua 3 đợt đăng ký có 28.000 ngươì ra trình diện, số người thất nghiệp đông, nhiều nhà máy đóng cửa, tiền tệ lạm phát, thị trường hỗn loạn. Dưới chế độ thực dân mới, lối sống thực dụng, nền văn hóa thực dân mới của Mỹ đã để lại nhiều tệ nạn xã hội. Theo báo cáo của Khu ủy Miền Đông toàn Miền Đông có 20.000 tên tội phạm hình sự, 3.000 tên lưu manh chuyên nghiệp, 20.000 gái mại dâm, 3.500 đối tượng xì ke ma túy. Bên cạnh đó bọn phản cách mạng, bọn tàn quân, bọn phản động đội lốt tôn giáo cấu kết với nhau đã thành lập nhiều tổ chức hoạt động chống phá ta quyết liệt.
II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH KIỂM SÁT ĐỒNG NAI
1. Sự cần thiết về việc thành lập ngành Kiểm sát
Sau ngày Miền Nam giải phóng tình hình chính trị, kinh tế - xã hội hết sức khó khăn, phức tạp như đã nêu trên. Trước tình hình đó nhiệm vụ cấp bách của Đảng bộ và chính quyền các cấp trong tỉnh là phải tiến hành xây dựng chính quyền cách mạng của nhân dân ở các cấp để nhanh chóng ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng, tiến hành cải tạo XHCN và xây dựng CNXH; trấn áp bọn phản cách mạng; xóa bỏ giai cấp tư sản mại bản và tàn dư của giai cấp địa chủ phong kiến;, khôi phục và phát triển sản xuất, giải quyết nạn thất nghiệp…..v.v.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trung ương đã có quyết định thành lập các cơ quan lãnh đạo của Tỉnh ủy và UBND cách mạng lâm thời, tiếp đó tỉnh đã chỉ đạo thành lập hệ thống tổ chức bộ máy của Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp trong tỉnh.
Trong bối cảnh đó, tháng 04/1976 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai được thành lập trên cơ sở Sắc Luật số 01/SL ngày 15/3/1976 của Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Luật tổ chức Viện KSND năm 1960.
Ngay từ khi thành lập ở Viện kiểm sát tỉnh đã hình thành các đơn vị nghiệp vụ gồm có: tổ Văn phòng, tổ chức cán bộ, tiếp dân và khiếu tố; tổ kiểm sát chung; tổ kiểm sát án hình sự kinh tế; tổ kiểm sát án trị an; tổ kiểm sát án an ninh; tổ kiểm sát giam giữ cải tạo và thi hành án; tổ kiểm sát án dân sư.
Đối với Viện kiểm sát cấp huyện bước đầu đã thành lập được 08 đơn vị gồm có: TP. Biên Hòa, Thị xã Vũng Tàu, Long đất, Châu Thành, Thống Nhất, Duyên Hải, Long Thành, Xuân Lộc. Còn lại 03 huyện chưa thành lập được Viện KSND huyện là Tân Phú, Xuyên Mộc, Vĩnh Cửu. Đến tháng 01/1977 Viện kiểm sát huyện Tân Phú được thành lập và tháng 4/1978 Viện kiểm sát huyện Xuyên Mộc và Viện kiểm sát huyện Vĩnh Cửu được thành lập. Năm 1979, thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Đảng về kiện toàn tổ chức, cải tiến chế độ làm việc: Viện kiểm sát tỉnh thành lập 7 bộ phận, tách hoạt động Kiểm sát xét xử khỏi Kiểm sát điều tra; Viện kiểm sát huyện thành lập 3 bộ phận. Năm 1982 thành lập Uỷ ban Kiểm sát và 07 Phòng gồm: Kiểm sát chung, Trị an - An ninh, Kinh tế, Dân sự, Giam giữ và Thi hành án, Xét xử hình sự, Văn phòng- Khiếu tố-Tổ chức cán bộ. Đến năm 1987 thực hiện Qui định số 81/TC.V9 ngày 17/9/1986 của Viện KSND Tối cao, Lãnh đạo Viện kiểm sát tỉnh đã bố trí bộ máy theo hướng giảm bớt trung gian nhằm tăng cường hiệu lực quản lý, điều hành, tăng cường cán bộ cho cấp huyện, kiện toàn từng bước cấp tỉnh. Cấp huyện có 7/9 huyện hình thành 3 bộ phận công tác.
Từ năm 2002 đến nay đánh dấu bước điều chỉnh quan trọng về chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát theo yêu cầu cải cách tư pháp do Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra. Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên năm 2002, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Tố tụng dân sự 2004, Bộ luật dân sự năm 2005… là bước cụ thể hoá của quá trình cải cách tư pháp. Viện kiểm sát Đồng Nai đã giải tán Phòng kiểm sát chung, giải thể Phòng điều tra, thành lập Phòng kiểm sát xét xử án hành chính- kinh tế- lao động.
Hiện nay về tổ chức bộ máy Viện kiểm sát hai cấp đã được bố trí sắp xếp ổn định theo Qui định số 02/VKS ngày 13/10/2004 của Viện KSND Tối cao, Viện kiểm sát tỉnh có 12 phòng, Viện kiểm sát cấp huyện có 03 bộ phận. Trong tổ chức bộ máy, xây dựng ngành Kiểm sát đã có nhiều đổi mới như: việc tuyển chọn công chức phải qua thi tuyển; tuyển chọn và bổ nhiệm Kiểm sát viên phải thông qua Hội đồng tuyển chọn; quy định tất cả Kiểm sát viên phải có bằng cử nhân Luật, trình độ ngoại ngữ, tin học và bổ nhiệm có thời hạn là 5 năm…
2. Việc xây dựng hệ thống chính trị trong ngành.
Năm 1976, Viện KSND tỉnh thành lập chi bộ với số lượng đảng viên hơn 10 đ/c. Đến năm 1989, Viện KSND tỉnh thành lập Đảng bộ với số lượng 35 đ/c, có 05 Chi bộ trực thuộc. Đối với Viện KSND cấp huyện lúc đầu mới thành lập sinh hoạt chi bộ ghép với các cơ quan tư pháp cùng cấp, sau đó đã thành lập được chi bộ độc lập trực thuộc cấp ủy địa phương.
Về tổ chức đoàn thể quần chúng, Viện kiểm sát 2 cấp có tổ chức Công đoàn và Chi đoàn thanh niên trực thuộc Công đoàn và Đoàn thanh niên địa phương quản lý.
Trong 37 năm qua hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng và các tổ chức Công đoàn, Chi đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh trong ngành Kiểm sát Đồng Nai đã làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên nâng cao nhận thức quan điểm lập trường, ra sức học tập rèn luyện phẩm chất đạo đức tư cách của người cán bộ công chức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Kết quả phân loại hằng năm phần lớn các tổ chức cơ sở đảng Viện kiểm sát hai cấp đều đạt danh hiệu: “trong sạch vững mạnh”, các tổ chức đoàn thể quần chúng đạt danh hiệu “vững mạnh.”. Về cá nhân có hơn 80% Đảng viên, Đoàn viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có 20% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
IV. KẾT LUẬN
Qua 37 năm xây dựng và trưởng thành, sở dĩ ngành kiểm sát tỉnh Đồng Nai đạt được những thành tích trên đây là nhờ sự quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy và các cấp ủy địa phương, Viện kiểm sát nhân dân Tối Cao; sự giúp đỡ và ủng hộ của Hội đồng nhân dân, UBND, Mặt trận, đoàn thể các cấp; sự phối hợp chặt chẽ với các ngành, đặc biệt là các cơ quan tố tụng. Bên cạnh đó là sự cố gắng phấn đấu nỗ lực của toàn thể cán bộ, kiểm sát viên và công chức trong ngành đã lập nên những thành tích đáng phấn khởi.
Trong thời gian tới tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của cả nước và của tỉnh còn nhiều diễn biến phức tạp; nhiều khó khăn, thách thức được đặt ra; nhiệm vụ của ngành kiểm sát nói chung và ngành kiểm sát tỉnh Đồng Nai nói riêng là hết sức nặng nề; đòi hỏi mỗi cán bộ công chức của ngành phải ra sức học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm, thi đua phát huy sáng kiến, khắc phục mọi khó khăn để phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các nhiệm vụ chính trị khác của địa phương; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX.